Bốn tháng để học từ A2 đến B2 (tính đến khi đậu và có bằng B2 luôn) là con số khiến hầu hết những ai hỏi mình học tiếng Đức trong bao lâu đều trợn mắt ngạc nhiên. Quả thật là vui thì cũng có chút chút, nhưng căn bản mình vẫn còn thấy mình có thể làm tốt hơn.
HỌC ĐI NÀO CÁC BẠN, ĐỂ THẤY TIẾNG ĐỨC, CŨNG ĐẸP NHƯ TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA MÌNH VẬY.
Không phải kiêu đâu nhưng mình tin rằng với phương pháp học đúng và biết rõ những yếu tố quan trọng khi học ngoại ngữ thì bốn tháng cũng không là một mục tiêu xa vời, thật đấy.
1. Chuyện bên lề
Đúng như tên gọi, mình hồi tưởng lại tí xíu những câu chuyện bên lề, thành tích vụn vặt trước và xuyên suốt hành trình học tiếng Đức, nếu không thích các bạn có thể bỏ qua ạh. Bốn tháng để học A2 – B2. Thế còn A1, chắc có bạn sẽ hỏi mình đây. Bức tranh toàn cảnh sẽ là : hè năm 11 lên 12 mẹ cho mình học một khoá A1 cấp tốc ở DZ, vừa vặn trọn 2 tháng hè, cũng là để xem mình học nổi hông, có thích tiếng Đức không ấy mà. Và dĩ nhiên là, hết hè thì lại lo chạy bài ôn thi Đại học cho năm 12, và mình dừng hẳn việc học tiếng Đức 1 năm liền. Sau đó, khi gần thi ĐH thì xác định là sẽ đi Đức, và dự định là sẽ học lại từ A1 vì ai cũng bảo bằng A1 6 tháng hết hạn rồi, mà sau 6 tháng thì hầu như không còn nhớ gì và được khuyên là phải học lại. Ồ, thế cũng được, thế thì tận hè 2016 mới đi.
Trước khi học, cô giáo tư vấn muốn test thử một chút xem trình độ ở đâu để dạy cho phù hợp. Thế nhưng test xong thì cô giáo bảo học 1 năm rồi mà test được A2.1, gần qua A2.2 rồi cơ àh, thế là kế hoạch thay đổi. Tháng 1 đi luôn và từ đây bắt đầu quãng thời gian ăn ngủ với Tiếng Đức. Sáng học A2 rồi lên B1 giáo trình Menschen với sự hướng dẫn của một anh học trò cũ của cô, chiều học lớp B1+ rồi lên B2 giáo trình Sicher chung lớp với mấy bạn có B1 rồi và sắp bay. Sáng 3 tiếng chiều 4 tiếng từ thứ hai đến thứ sáu. Mình bắt đầu từ đầu tháng 8 đến tháng 10 thì thi B1 ở Bangkok (vì TPHCM hết chỗ, hic). Và lúc đấy thì lớp buổi chiều của mình cũng kết thúc rồi vì các bạn học chung tháng 11 là bay. Mình mang tâm trạng hơi lo lắng đi thi nhưng kết quả cũng làm mình hài lòng đôi chút dù mình luôn ngẫm thấy nếu chăm hơn tí nữa chắc sẽ cao điểm hơn : Đọc với Nói 90, Viết 87 và Nghe có 83 thôi. Cô mình phấn khích quá lại động viên đi thi B2, “dụ dỗ” rằng có B2 nộp xin zu của TUM, ngôi trường mình đã có lần hỏi cô. Thế là chưa “xoã” được bao lâu đã phải ôn thi tiếp. Và đây là lúc mình phải cảm ơn cô giáo dạy mình nhiều nhất (mình xin phép không nêu tên). Cô rất bận và còn nhiều việc hứng thú hơn là đi dạy nhưng cô sẵn lòng dành ra 2 buổi chiều để chỉ dạy thêm cho mình chuẩn bị cho kỳ thi B2 (mình dùng chữ chỉ dạy, không phải ôn thi hay luyện thi, chút nữa mình kể nghen). Tới giữa tháng 12 lại khăn gói ra Hà Nội thi B2. Lần này đỡ run hơn chút, kết quả thì cũng ổn : 75/100 ( Đọc 14 thôi, hic, Nghe 15, Nói và Viết mỗi phần 23, đủ “gánh” hai kỹ năng kia). Và rồi các thủ tục phía sau như nộp hồ sơ xin zu, nhận zu và lên đường đi thi là những phần các bạn chắc còn nắm rõ hơn mình.
2. Tớ đã làm điều đó như thế nào? Bạn cần gì để học tiếng Đức tốt?
Mình đi từ những kỹ năng, yếu tố chung chung trước và sau đó là các yếu tố cụ thể nha.
Thứ nhất : Kỹ năng tự học
Thật ra đây là kỹ năng cần có không chỉ trong việc học ngoại ngữ, mà còn phát huy rất hiệu quả gần như trong mọi môn, toán lý, hoá, sinh, vân vân và mây mây. Thế thì, có bạn sẽ hỏi, vậy tự học là làm sao? Dễ lắm. Là tự giác học từ vựng, làm bài tập, luyện nghe, luyện viết hằng ngày mà không cần thầy cô giao bài và kiểm tra. Là tự tìm tòi tài liệu để học thêm, cũng là tự tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc của mình trước khi mang đi hỏi thầy cô, bạn bè. Là tìm kiếm các ứng dụng giúp việc luyện tập tiếng Đức, học từ dễ dàng hơn. (HIC sẽ có bài viết giới thiệu về các ứng dụng này sau nhé)
Thứ hai : Sự đầu tư đúng đắn
Mình đang nói đến TỪ ĐIỂN. Các bạn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để theo học các lớp dạy tiếng Đức, thì hãy tin mình, một quyển từ điển đầy đủ (không phải loại bỏ túi, cầm tay) là một sự đầu tư khôn ngoan và đúng đắn, không sợ bị lỗ. Nếu không có từ điển, bạn sẽ tự học và tự tra từ thế nào đây? Thị trường từ điển tiếng Đức hiện nay chưa nhiều như Tiếng Anh nên việc có một quyển từ điển giấy là khá khó. Thế nên giải pháp mình lựa chọn và tư vấn cho các bạn, là ứng dụng từ điển trả phí Langenscheidt trên điện thoại phiên bản Deutsch als Fremdsprache, tức Đức – Đức.
Vì sao là trả phí? Một quy luật bất di bất dịch của cuộc đời là đồ miễn phí thì khó có thể (nếu không muốn nói là luôn) không sánh được, không trọn vẹn như với ứng dụng trả phí. Mình đã bỏ ra xấp xỉ 500k để mua ứng dụng này trên Google Play và qua thời gian sử dụng mình thấy rất xứng đáng. Mình ban đầu cũng tiếc đứt ruột ấy chứ, vèo cái mất 500k, nhưng phải chịu thôi vì nếu bạn muốn giỏi tiếng Đức, một cuốn từ điển hữu dụng là không thể thiếu. Dĩ nhiên nếu bạn tìm được bản crack thì cũng được, nhưng quan điểm của mình thì với món đầu tư này, không nên keo kiệt.
Vì sao là Đức – Đức? Một số bạn có xu hướng thích dùng Đức – Anh hoặc Đức – Việt. Cũng ổn nhưng để tối ưu hoá hiệu quá, hãy là bản Đức – Đức. Nó mất nhiều thời gian hơn để bạn có thể hiểu chính xác nghĩa một từ cỏn con, nhưng bù lại bạn sẽ quen dần cách định nghĩa, các ví dụ được đưa ra và quan trọng nhất, rèn khả năng suy nghĩ bằng tiếng Đức. Có ai đó từng nói với mình, khi học ngoại ngữ, đừng cố dịch, nhưng hãy cố để hiểu và suy nghĩ bằng chính thứ tiếng ấy. Điều đó mới giúp bạn giỏi tiếng Đức như thể tiếng Việt và tiếng Anh với bạn nào đã thành thạo tiếng Anh trước khi học tiếng Đức. Chưa hết, thời gian đầu, với các bạn có vốn tiếng Anh đã vững vàng và học nhiều năm trước đó, sẽ gặp giai đoạn bị “nhiễu”. Có nghĩa là, bộ não bạn luôn cố gắng dịch từ tiếng Đức đó sang tiếng Anh, trở về môn ngoại ngữ mà nó quen thuộc và nó không chấp nhận chuyển sang một chế độ ngoại ngữ hoàn toàn mới. Vì vậy từ điển Đức – Đức sẽ là môi trường giúp bạn như mở ra một “không gian mới” để chứa kiến thức tiếng Đức, không lẫn lộn và và xáo trộn cảm giác ngoại ngữ giữa Đức và tiếng Anh.
Một quyển từ điển khác nên có nhưng không bắt buộc : Từ điển các từ đồng nghĩa. Thích hợp khi các bạn đã sang đây và ổn định chỗ ở, chuyên tâm học hành. Từ điển đồng nghĩa giúp mở rộng vốn từ, làm phong phú cách diễn đạt, hành văn khi viết. Mình dùng cuốn của Duden, thấy rất thích. Nhiều khi tra từ trong từ điển xong bạn vẫn chưa thực sự hiểu hay không chắc chắc với cách hiểu của mình, chỉ cần kiểm lại trong cuốn Synonym Wörterbuch sẽ tìm được từ đồng nghĩa mà mình đã biết trước đó.
Thứ ba : Phương pháp học đúng
Hãy học như những đứa trẻ
Bạn đã bao giờ quan sát một đứa trẻ bi bô nói lại những từ, những câu đơn giản mà bố mẹ và ông bà chỉ cho chưa? Bạn có biết tại sao những bé không may mắn bị điếc bẩm sinh thì thường cũa bị câm không? Đó là vì quá trình học nghe nói là một quá trình bắt chước. Khi bạn không thể nghe được, bạn cũng sẽ không biết lặp lại, và từ đó mà suy ra bạn cũng sẽ không thể nói được dù những câu đơn giản nhất. Trước khi nói được, chúng ta đều bắt chước ai đó. Vì vậy, hãy nghe nhiều, chú ý và rồi bắt chước nói y như vậy.
Học nhiều từ vựng nhiều nhất có thể
Rõ ràng từ vựng là chìa khoá đầu tiên bạn cần để học bất kỳ ngoại ngữ nào. Đến phần phương pháp ghi nhớ từ vựng thì lại phụ thuộc vào từng người, từng cách học phù hợp với riêng bạn. Một vài phương pháp có thể kể đến như sử dụng hình ảnh, liên tưởng, chép tay, học qua viết ví dụ, học qua các ứng dụng được thiết kế để tự soạn bài học như Quizlet, Memrise,… Miễn là phương pháp đó giúp bạn nhớ lâu nhất và mang ra sử dụng được hiệu quả nhất.
Luyện nghe thường xuyên và mạnh dạn luyện nói
Tin tức, phim, nhạc, radio, hörbücher cho trẻ em,… tất tần tật những thứ được người ta nói bằng tiếng Đức bạn đều nên nghe. Bắt đầu từ những chủ đề bạn thích sẽ dễ dàng hơn. Ví như mình subscribe youtube chanel của DW, ban đầu nghe các video chủ đề Hin&Weg về du lịch, thấy rất hứng thú, nghe dễ chịu, học được nhiều từ, cứ mở suốt cho nó chạy mình thì vừa nghe vừa làm bài tập hoặc làm mấy việc linh tinh. Sau nhờ cô giáo gợi ý, mình nghe thêm Langsam gesprochene Nachricht cũng trên trang của DW, nhưng thử cách nghe chủ động.
Xác định tư tưởng thật rõ ràng khi học
Nói một cách khác, bạn hãy đừng học tiếng Đức chỉ để đối phó một, hai kỳ thi. Đây là thứ tiếng sẽ theo các bạn suốt quãng đường học tập ở nước Đức, là thứ tiếng bạn phải dùng để giao tiếp hằng ngày ở đây, là thứ duy nhất chứng minh thái độ học tập và thiện chí khi bạn đặt chân đến đất nước Đức.
Tiếng Đức là thứ tiếng dành cho kỹ thuật và vì thế nó rất logic. Mình thú thật, tiếng Đức khó thật đấy nhưng càng học càng thấy nó giản dị và logic vô cùng, mang dáng dấp của các môn khoa học tự nhiên. Và đến giờ thì mặc dù mình nói tiếng Đức vẫn chưa hay, nhưng niềm yêu thích đã mỗi ngày mỗi lớn hơn một chút.
Nguồn sưu tầm
Nguồn sưu tầm
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TMS
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Vimeco, Lô E9, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: (Mr.Linh) 0963035364
Địa chỉ email: trinhkhaclinh.vn@gmail.com
Website: duhocnghequocte.blogspot.com
Nên học bằng B2 vào năm 2020 hay không
Trả lờiXóahttps://www.dayhoclaixeoto.com/nen-hoc-bang-b1-hay-b2.html
Tư vấn du học Đức tại Hạ Long
Trả lờiXóaTư vấn du học Đức tại Quảng Ninh
Tư vấn du học Đức tại Cẩm Phả